Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Điều chỉnh những thói quen xấu cho sức khỏe tại văn phòng

Do tính chất công việc nên nhân viên văn phòng rất dễ mắc phải những thói quen vô cùng có hại cho sức khỏe sau đây. Việc nhận diện và cải thiện chúng sẽ khiến bạn có nhiều năng lượng hơn trong ngày làm việc của mình.

Ngồi quá lâu bên bàn làm việc

Đây là điều nguy hại nhất với sức khỏe của ban. Bất cứ công việc văn phòng nào cũng thường bắt bạn ngồi hàng giờ đồng hồ trước máy tính. Thậm chí, khi bạn đứng dậy và vươn vai ngay bây giờ, những giờ ngồi lì trên ghế trước đó vẫn để lại những hệ quả xấu tới sức khỏe.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác hại của việc ngồi nhiều. Một báo cáo y khoa năm 2015 trên tạp chí Tim mạch của Anh đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết của thói quen ít vận động với các chứng bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường tuýp 2 và đột quỵ. Theo đó, cứ ngồi quá 3 tiếng mỗi ngày sẽ gia tăng tỉ lệ đột quỵ lên 3.8%. Phần lớn dân văn phòng sở hữu thời lượng trước máy tính khá cao, từ 7 - 13 giờ mỗi ngày. Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ đã đăng tải một khuyến nghị vào năm 2016 kêu gọi mọi người tập luyện thể thao thường xuyên hơn, giảm thời gian ngồi trước máy tính để cải thiện tình trạng sức khỏe.



Hãy tập thói quen vận động thường xuyên hơn trong những sinh hoạt thường ngày. Chọn một chiếc cốc nhỏ hơn sẽ nhắc bạn đứng dậy đi lấy nước thường xuyên hơn. Hạn chế liên lạc với đồng nghiệp bằng các phần mềm chat mà hãy đến tận nơi trao đổi trực tiếp. Lên kế hoạch nghỉ ngơi và đi lại thư giãn cũng giúp giảm bớt căng thẳng mà công việc gây ra cho bạn.


Làm việc đến khuya, cắt giảm thời gian ngủ

Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) năm 2016, một người bình thường cần khoảng 8 tiếng ngủ mỗi ngày để có thể duy trì thể trạng sức khỏe tốt nhất. Con số này ít hơn 7 tiếng đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và rối loạn tuần hoàn.

Một nghiên cứu gần đây của phòng thí nghiệm SleepScore cho hay, có đến 79% số lượng dân số đang ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi ngày. Nghiên cứu này cũng chỉ ra tác hại của việc thiếu ngủ bao gồm suy giảm chức năng hệ miễn dịch, gia tăng nguy cơ mắc Alzheimer.

Tập thói quen hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử vào buổi tối trước giờ đi ngủ sẽ giúp bạn gia tăng thời lượng giấc ngủ đáng kể. Bạn cũng cần đi ngủ đúng giờ để tạo sự ổn định cho đồng hồ sinh học, giúp dễ ngủ và ngủ sâu hơn.

Dồn nén những áp lực trong công việc
Rất ít công việc không gây căng thẳng và do đó, stress mãn tính có thể là vấn đề đáng lo ngại nhất trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Theo một cuộc khảo sát năm 2011 của Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), hơn 1/3 số nhân viên văn phòng phải đối mặt với áp lực và căng thẳng thời gian làm việc. 20% trong số đó gặp phải stress ở mức khá cao, trên 8 với thang đo 10 điểm.

Căng thẳng có thể gây ra những vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng. Khi phải đối mặt với stress mãn tính, các vấn đề liên quan tới cân nặng, tiêu hóa và tim mạch sẽ nhanh chóng "hỏi thăm" bạn. Cân bằng giữa chế độ dinh dưỡng, tập luyện sẽ giúp hạn chế căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Nếu cần thiết, hãy tham gia một số lớp học yoga, thiền định, chúng sẽ giúp bạn kiểm soát tinh thần một cách đáng kể.


Quá ham công việc đến nỗi không chú trọng chuyện ăn uống

Những công việc đòi hỏi di chuyển nhiều hoạt động liên tục sẽ dễ dàng hình thành thói quen không lành mạnh. Những thói quen này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của bạn.

Bỏ qua bữa sáng là một trong những thói quen khiến hoạt động của hệ thống tuần hoàn bị suy giảm. Nếu quá gấp gáp, hãy chuẩn bị sẵn một vài món đồ ăn nhanh vào tối hôm trước để không bị "cập rập" vào sáng hôm sau. Bạn cũng nên hạn chế ăn tại bàn làm việc bởi đây là khu vực tập trung nhiều vi khuẩn có hại cho dạ dày và hệ tiêu hóa. Ngoài ra, hạn chế sử dụng các loại đồ ăn nhanh, chế biến sẵn cũng giúp cơ thể khỏe mạnh và đảm bảo dinh dưỡng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét